Thị trường dăm gỗ xuất khẩu: Các doanh nghiệp lớn chiếm ưu thế

Dăm gỗ từng là mặt hàng thế mạnh trong xuất khẩu của Quảng Ngãi, thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư. Song, thời gian gần đây, có không ít DN kinh doanh trong lĩnh vực này thua lỗ, hoạt động cầm chừng, nhất là các DN nhỏ. Phần lớn các đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ đều do các DN lớn khai thác được.

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng 7 đạt 46 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 308 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ và đạt 78% so kế hoạch năm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, trong đó có dăm gỗ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt khoảng 55 triệu USD, giảm hơn 23% so cùng kỳ.

Nguyên nhân do giá xuất khẩu dăm gỗ giảm mạnh. Hiện tại, nhiều DN có quy mô hoạt động nhỏ, nên không thể cạnh tranh về giá với các DN lớn, dẫn đến hoạt động cầm chừng, thậm chí là phá sản, hoặc sang nhượng nhà máy cho các DN lớn.

Chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại Nhà máy Nhất Hưng (Cụm Công nghiệp Sơn Hạ, huyện Sơn Hà).
Chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại Nhà máy Nhất Hưng (Cụm Công nghiệp Sơn Hạ, huyện Sơn Hà).

Hiện nay, DN có kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất Quảng Ngãi là Công ty TNHH MTV Hào Hưng. Công ty này đã đầu tư nhà máy chế biến dăm gỗ tại cảng biển Dung Quất, được tỉnh cho phép đầu tư cảng biển chuyên dụng và thương mại, vừa phục vụ cho việc xuất khẩu, vừa kinh doanh cảng biển. Với lợi thế về tài chính, cơ sở hạ tầng, am hiểu thị trường, nên việc thu mua keo nguyên liệu và tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu của công ty rất thuận lợi.

Cách đây 5 năm, Quảng Ngãi có khoảng 30 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 70.000 tấn sản phẩm/năm. Nhưng nay đã có hơn 10 nhà máy phải bán lại, một số DN ngừng hoạt động, số còn lại hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT không cho phép thành lập các DN băm dăm mới, chỉ đồng ý cho thành lập DN chế biến sâu thành các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu, nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô ra nước ngoài, có giá trị kinh tế thấp. Trong giấy phép đăng ký kinh doanh, các DN đều cam kết hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, ưu tiên chế biến thành phẩm, như bàn ghế, ván thanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số DN không chấp hành, chủ yếu băm dăm để xuất khẩu, chưa tập trung đầu tư chế biến các sản phẩm gỗ, kể cả những DN lớn.

 

Tạo điều kiện để các DN cùng nhau phát triển    

Mới đây, Sở Công thương đã tổ chức lấy ý kiến các DN xuất khẩu của tỉnh về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, trong đó có nhiều DN chế biến gỗ dăm xuất khẩu. Các DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, họ đang chịu sự cạnh tranh rất lớn, giá xuất khẩu ngày càng giảm mạnh, khó khăn trong tìm kiếm thị trường… Còn DN quy mô lớn thì băn khoăn, nguồn nguyên liệu gỗ keo không đủ để sản xuất, thời tiết không thuận lợi. Do đó, các DN chế biến dăm gỗ xuất khẩu kiến nghị tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này; tạo điều kiện để các DN xuất khẩu dăm gỗ cùng phát triển, hạn chế tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cùng ngành.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn: Baoquangngai.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *