Xuất khẩu dăm gỗ thuận lợi, người trồng rừng phấn khởi!

Những tháng cuối năm, nhờ dăm gỗ xuất khẩu thuận lợi nên giá gỗ nguyên liệu (keo) tại Bình Định tăng lên 1,2 triệu đồng/tấn, tăng hơn 100.000đ/tấn so thời điểm từ giữa năm trở về trước, tăng hơn 200.000đ/tấn so với năm 2017.

Giá gỗ nguyên liệu tăng đã khiến người trồng rừng phấn khởi, nhân thời điểm trời mưa, đất mềm, khắp nơi đồng loạt đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.

15-24-57_1
Thị trường dăm gỗ xuất khẩu năm nay ổn định nên dân tới gỗ rừng trông tăng giá. Ảnh: Lê Khánh

Anh Lê Việt Quang ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định), người đang sở hữu 8ha keo, cho biết: “Năm 2017, giá gỗ nguyên liệu (keo) rớt thảm, có lúc chỉ còn 950.000đ – 960.000đ/tấn. Bước sang những tháng đầu năm 2018 bắt đầu tăng lên 1 triệu đồng/tấn, sau đó tăng dần lên 1,1 triệu đồng/tấn. Đến những tháng cuối năm, giá gỗ nguyên liệu tiếp tục tăng, hiện đang ở mức 1,2 triệu đồng/tấn bán tại nhà máy. Với cái giá này người trồng rừng lãi khá”.

Anh Quang tính toán chi li mức chi phí trồng, đầu tư 1ha keo trong suốt chu kỳ 5 năm như sau: Người dân Bình Định có truyền thống trồng keo khá dày, cây cách cây 1,7m, 1ha keo phải trồng đến 3.500 cây giống. Hiện giống cây keo có giá 500đ/cây, vị chi trồng 1ha chi phí hết 750.000đ tiền cây giống. Tiếp đến, công cuốc hố, trồng cây giống, mỗi ha tốn thêm 1,2 – 1,3 triệu đồng nữa. Sau khi cây giống đã đứng trong hố, người trồng rừng bón lót khoảng 2 bao phân/ha. Trong quá trình chăm sóc, thông thường rừng keo phải được phát chồi, vun gốc, bỏ thêm phân. Tuy nhiên, mấy năm gần đây giá gỗ nguyên liệu xuống thấp, người trồng rừng “lơ là” chuyện chăm sóc nên đã bỏ đi những công đoạn vun gốc, bón phân, mà chỉ phát chồi, tốn thêm chi phí khoảng 1 triệu đồng/ha. Tổng chi phí 1ha keo suốt chu kỳ 5 năm chỉ khoảng 20 triệu đồng. “Sau chu kỳ 5 năm là thu hoạch, nếu rừng keo nào được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 120 tấn/ha, rừng keo nào chăm sóc “thất bát” năng suất cũng cho 80 tấn/ha. Với giá 1,2 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân 50 triệu đồng/ha”, anh Quang tính toán.

Theo người trồng rừng ở Bình Định, hiện nay các nhà máy SX dăm gỗ xuất khẩu ký hợp đồng mua gỗ nguyên liệu với các chủ rừng với giá 1,2 triệu đồng/tấn, nếu bán qua trung gian các đại lý thì bị mất 2 giá, chỉ còn 1.180.000đ/tấn. Tuy nhiên, người trồng rừng vẫn thích bán thông qua đại lý hơn, bởi có thể lấy “tiền tươi” và không bị ràng buộc bởi những điều khoản theo hợp đồng. Chỉ những người trồng rừng nhiều 10 – 20ha mới ký hợp đồng bán cho nhà máy, những người trồng 5 – 3ha thì bán cho đại lý.

Những năm gần đây, người trồng rừng ở Bình Định đã quan tâm đến việc “nuôi” rừng gỗ lớn, không bán non để có thu nhập cao hơn. Theo ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định), giá gỗ nguyên liệu đạt mức 1 triệu đồng/tấn là người trồng rừng đã có lãi, tuy nhiên, nếu ai “nuôi” rừng để cây đạt quy cách gỗ gia dụng, có đường kính từ 15cm trở lên thì sẽ bán được giá cao hơn nhiều lần. Hiện loại gỗ gia dụng có giá bán từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/tấn. “Từ năm thứ 5 trở đi, cây không cần bón phân nữa nhưng phát triển rất nhanh, khi thu hoạch trọng lượng cây càng nặng, giá bán cao hơn 300 – 400 ngàn đồng/tấn. Trong khi đó, nếu khai thác bán non rừng thì sau đó phải mất chi phí xử lý thực bì, đào hố, tiền mua cây giống, tốn công trồng và chăm sóc trở lại để 5 năm sau mới có khai thác”, ông Tây phân tích.

Gỗ nguyên liệu đạt quy cách gỗ gia dụng bán tăng hơn 30% so với giá gỗ bán cho các nhà máy chế biến dăm. Ảnh: Lê Khánh

Ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Cty TNHH Sông Kôn, đơn vị chuyên chế biến dăm gỗ xuất khẩu đóng tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho hay: “Năm nay kinh doanh mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu thuận lợi hơn năm trước, từ đầu năm đến nay, thị trường nhập khẩu dăm gỗ Trung Quốc ăn hàng đều đều, dăm gỗ không còn tồn đọng trong kho các nhà máy ở Bình Định như năm trước. Nếu cả 1 năm 2017 công ty chỉ xuất được 47.000 tấn khô thì năm nay mới đến tháng 10/2018 công ty đã xuất được 50.000 tấn. Gía hiện cũng được tăng, nếu mấy tháng trước đây thị trường Trung Quốc chỉ thu mua 118 USD/tấn dăm khô thì hiện đã tăng đến 122 USD/tấn dăm khô”.

“Theo kế hoạch, năm 2018 Bình Định sẽ trồng trên 8.500ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tại thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, xử lý thực bì, cuốc hố trồng rừng. Để hỗ trợ người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, tập huấn xử lý thực bì, đào hố, chọn cây giống chất lượng; đồng thời đôn đốc người dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đảm bảo đến giữa tháng 12/2018 sẽ kết thúc vụ trồng rừng trong năm”, ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định), cho biết.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *